
[ads1]

Trong các câu chuyện đùa vui trong cuộc sống thường ngày, chúng ta hay nói cụm từ “làm chuột bạch đi“. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì mọi người vẫn dùng nhưng không phải ai cũng hiểu rõ cái cụm từ đó có ý nghĩa gì. Trong bài viết này, chúng tôi không giải nghĩa cụm từ đó nhưng hy vọng sau khi đọc bài viết mọi người sẽ hiểu được ý nghĩa của cụm từ trên :D. Vậy thì cụm từ trên có liên quan gì bài viết này: Vì sao chuột thường được dùng để làm thí nghiệm?
Trong các chương trình khám phá khoa học chiếu trên TV hoặc trong các bộ phim khoa học viễn tưởng mà bạn thường xem, cứ khi nào liên quan đến việc làm thí nghiệm một sản phẩm thuốc men hoặc vắc xin để điều trị bệnh cho con người thì đều xuất hiện cảnh làm thí nghiệm với một đàn chuột.
Có thể bạn chưa biết, trong cộng đồng khoa học, bộ gặm nhấm là đối tượng thí nghiệm phổ biến nhất. Có đến 95% các nghiên cứu trên động vật ở Mỹ được thực hiện trên loài gặm nhấm. Còn ở châu Âu, loài gặm nhấm chiếm 79% các thí nghiệm lên động vật trong các nghiên cứu. Điều thú vị là chúng ta không thể nói chắc chắn có bao nhiêu con chuột đã được dùng trong các nghiên cứu và thí nghiệm. Trong khi Bộ Nông nghiệp Mỹ theo dõi nhiều loài động vật dùng để thí nghiệm – như chim, chó, mèo, thỏ và thậm chí cả chuột lang – không một ai tại Mỹ có danh sách tổng quát tất cả các loài chuột dùng trong nghiên cứu. Kể từ năm 1965, số các trích dẫn khoa học liên quan đến chuột đã tăng gấp bốn lần, trong khi hầu hết các đối tượng khác như chó, mèo, chuột lang, thỏ dùng trong nghiên cứu không hề tăng.
Vì sao lại như vậy? Vì sao đối tượng sử dụng thuốc là con người mà tại sao là thử nghiệm trên loài chuột, một loài chẳng liên quan gì đến con người?
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lí do mà chuột thường được dùng để làm thí nghiệm là:
1. Chúng có kích thước nhỏ và khá vô hại.
2. Chuột cũng là loài động vật dễ nuôi, không cần nhiều không gian sống, có tốc độ sinh sản nhanh nên dễ nhân giống hàng loạt với giá rẻ.
3. Tuổi thọ của chuột ngắn, chỉ trong một vài năm. Do đó, các nhà khoa học có thể nghiên cứu những thế hệ khác nhau của chúng dễ dàng.
4. Người và chuột có hệ gene giống nhau hơn 90%. Điều này khiến chuột trở thành con vật trung gian thích hợp, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu cách thức gene người phản ứng với những nhân tố môi trường tương tự.
5. Ngoài yếu tố di truyền, hệ thống sinh học trong cơ thể chuột, chẳng hạn như các bộ phận cơ thể, cũng hoạt động rất giống con người.
6. Một trong những lý do quan trọng nhất là chuột dễ biến đổi gene. Các nhà khoa học có thể tác động đến một số gene nhất định của chuột, khiến chúng ở trạng thái bất hoạt hoặc chèn thêm đoạn ADN ngoại lai. Sau đó, họ quan sát thay đổi hành vi và sinh lý của chuột để tìm ra chức năng và cách thức gây bệnh của những gene này ở người.
Ngoài lề một chút, các con chuột thường hay được dùng để làm thí nghiệm thường là giống chuột nhỏ có lông màu trắng. Và chúng tôi hy vọng khi đọc đển đây, các bạn sẽ hiểu được lí do tại sao loài chuột được thường hay được dùng để làm vật thí nghiệm và nghĩa của cụm từ “làm chuột bạch đi“.
[ads2]